0

Rối loạn tâm thần trong nhiễm HIV/AIDS (phần 1) | Safe and Sound

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV, virus tấn công và tiêu diệt dần các tế bào miễn dịch làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, phát sinh các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội, các tổn thương thần kinh - tâm thần, các khối u và dẫn đến tử vong. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Đặc điểm

Các bác sĩ tâm thần cho biết, biểu hiện của các rối loạn tâm thần khá phức tạp, đa dạng và khác nhau về mức độ ở các giai đoạn nhiễm HIV/AIDS: từ giai đoạn sơ nhiễm, giai đoạn nhiễm HIV chưa có triệu chứng và có triệu chứng sớm, đến giai đoạn có triệu chứng AIDS rõ rệt. Các rối loạn tâm thần liên quan đến HIV cũng có thể biểu hiện ở những người không bị nhiễm HIV.

Rối loạn tâm thần ở người nhiễm HIV/AIDS là thường gặp. Nghiên cứu của bác sĩ tâm thần Hayman.J, Brubrich.N (1994) có tới 80% số bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tâm thần ở một số giai đoạn trong quá trình nhiễm HIV: trong đó, rối loạn trầm cảm 50%, rối loạn lo âu 40% trong giai đoạn sơ nhiễm, 70% rối loạn lo âu và trầm cảm trong giai đoạn nhiễm HIV sau khi có xét nghiệm dương tính và có triệu chứng sớm của bệnh AIDS. Đặc biệt, có tới 27-38% người nhiễm HIV có ý tưởng tự sát. 

2. Nguyên nhân

Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, rối loạn tâm thần ở người nhiễm HIV/AIDS do nguyên nhân phản ứng tâm lý của bệnh nhân trước sang chấn tâm lý, cũng có thể đó là hậu quả tổn thương hệ thần kinh trung ương do tác động trực tiếp của HIV, hay là do rối loạn hoạt động của hệ thần kinh ở một số bệnh nhiễm trùng cơ hội. Các rối loạn tâm thần do nguyên nhân thực tổn não tăng lên thường gặp ở giai đoạn muộn của bệnh, biểu hiện là giảm khả năng miễn dịch và có các biến chứng về cơ thể.

Ảnh 1: Nguyên nhân rối loạn tâm thần ở người nhiễm HIV/AIDS do sang chấn tâm lý

Nhiều ý kiến của bác sĩ tâm thần cho rằng, các rối loạn tâm thần ở người nhiễm HIV/AIDS là hậu quả sự tác động của virus HIV đến mô thần kinh trên các vùng vỏ não và dưới vỏ não - các vùng bị ảnh hưởng lây HIV, gây ra những biến đổi thực tổn hệ thống thần kinh trung ương. 

3. Các rối loạn tâm thần thường gặp trong nhiễm HIV/AIDS

3.1. Các rối loạn tâm thần ở giai đoạn sơ nhiễm

HIV xâm nhập vào cơ thể, qua hàng rào máu não tác động lên hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng trong thời kỳ này là sốt, uể oải, đau cơ, đau đầu, dễ bị kích thích, thay đổi khí sắc, đôi khi có mê sảng. 

Theo các bác sĩ tâm thần, về mặt tâm lý, thời gian làm thử nghiệm kháng thể và xác định kết quả dương tính là một sang chấn tâm lý mạnh. Ở người bệnh sẽ xuất hiện mối lo sợ lớn về bệnh đe dọa đến cuộc sống, cảm giác bị xã hội miệt thị và sợ truyền bệnh cho người khác. Các phản ứng tâm lý trong giai đoạn này: sốc, tức giận, từ chối, buồn phiền. Các triệu chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ là phổ biến. Bệnh nhân mặc cảm, tự ti, cảm thấy mình bị xã hội ruồng bỏ, bất lực trước cuộc sống, không còn thấy có ý nghĩa gì trong tương lai. Điều này đẩy một số bệnh nhân đến ý tưởng và hành vi tự sát. Người bệnh có thể trở lại bình thường sau từ 2 tuần đến 6 tháng mà không cần phải dùng thuốc. Ở một số bệnh nhân có phản ứng thích nghi tích cực, họ đương đầu và vượt qua được sang chấn tâm lý này. 

3.2. Các rối loạn tâm thần ở giai đoạn nhiễm HIV chưa có triệu chứng và có triệu chứng sớm của bệnh AIDS

Các bác sĩ tâm thần cho biết, rối loạn tâm lý rõ rệt xảy ra ở người có huyết thanh dương tính, biểu hiện: Lo âu, trầm cảm hoặc cả hai xuất hiện trong suốt thời kỳ không có triệu chứng.

a. Rối loạn sự điều chỉnh

  • Xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh, được xác định như những phản ứng kém thích nghi với sang chấn tâm lý.
  • Những rối loạn liên quan đến trầm cảm và lo âu biểu hiện ở trên 70% bệnh nhân nhiễm HIV có triệu chứng (Hayman.J, 1994).
  • Môi trường tâm lý không tốt như thiếu sự quan tâm, săn sóc của người thân, sự chế giễu, xa lánh của những người xung quanh đã làm gia tăng tác dụng của chấn thương tâm lý đối với người bệnh. Đôi khi sang chấn tâm lý làm xuất hiện những rối loạn lo âu và khí sắc ở một vài bệnh nhân sẵn có tiền sử rối loạn tâm thần.
  • Một số người có khả năng tự điều chỉnh để đáp ứng đối với sang chấn tâm lý. Một số người khác có thể có những rối loạn hành vi kém thích nghi như hoạt động tình dục không an toàn, lạm dụng thuốc, tức giận,...
  • Triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân nhiễm HIV là trầm cảm, biểu hiện:
  • Rối loạn sự thích ứng với khí sắc trầm, có thể hiểu điều đó như trầm cảm phản ứng. Theo các bác sĩ tâm thần, đây là loại phổ biến nhất. Mức độ các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và sẽ được cải thiện qua thời gian mà không cần phải dùng thuốc.
  • Rối loạn trầm cảm nặng có triệu chứng cơ thể, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc bị ức chế kéo dài, thường nặng lên nhiều về sáng; buồn rầu vì sợ mắc bệnh và khả năng truyền bệnh cho người khác.
  • Rối loạn cảm xúc thực tổn thường đi kèm với suy giảm nhận thức. Nguyên nhân là do tác động trực tiếp của HIV lên hệ thống thần kinh trung ương, cũng như do ảnh hưởng của thuốc, hoặc bệnh hệ thống và chuyển hoá. 
  • Trong thời kỳ đầu, lo âu triệu chứng hay gặp, có thể là lo âu lan toả, hay các cơn hoảng sợ; các triệu chứng xung động ám ảnh có thể được thấy trong bất cứ giai đoạn nào của bệnh, hoặc là tiên phát, hoặc là thứ phát sau trầm cảm.
  • Một số người nhiễm HIV triệu chứng trầm cảm và lo âu có kèm theo trí nhớ bị suy giảm. Sự suy giảm trí nhớ này mang tính chất chủ quan, tạm thời do rối loạn cảm xúc.

b. Tự sát

Tự sát xảy ra ở hai giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu tiên khi phản ứng huyết thanh dương tính được xác nhận. Các bác sĩ tâm thần cho biết, tự sát xảy ra như một phản ứng xung động trên nền rối loạn cảm xúc do tác động tâm lý mạnh. 
  • Giai đoạn thứ hai (giai đoạn cuối) khi có nhiều biến chứng thần kinh tâm thần của AIDS. Bao gồm: Suy giảm nhận thức, rối loạn cảm xúc thực tổn, mê sảng, trạng thái hoang tưởng. Sự suy giảm tư duy trên nền tảng của rối loạn sinh hoá não cũng góp phần vào nguyên nhân tự sát. 

Một số yếu số khác tham gia vào nguy cơ tự sát:

  • Có rối loạn khí sắc trước khi bị bệnh
  • Bệnh hệ thống hoặc bệnh tâm thần đang có
  • Các tác động tâm lý - xã hội khác
  • Lạm dụng thuốc
  • Tham vấn trước và sau thử nghiệm liên quan đến HIV không đầy đủ

Ảnh 2: Tự sát xảy ra do tác động tâm lý mạnh

3.3. Các rối loạn tâm thần ở giai đoạn có triệu chứng và khi có triệu chứng bệnh AIDS rõ rệt

a. Mê sảng

Mê sảng được đề cập đến như một hội chứng não thực tổn cấp tính. Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, trạng thái mê sảng thường được thấy trong giai đoạn muộn của nhiễm HIV/AIDS ở các bệnh nhân nằm viện. Những biểu hiện của mê sảng:

  • Khởi phát nhanh, trạng thái bàng hoàng, lo âu, sợ hãi. Đây là triệu chứng sớm quan trọng; sau đó tiến triển thành lú lẫn mất định hướng, mù mờ ý thức, giảm khả năng tập trung, chú ý thay đổi.
  • Các biến đổi tâm thần - vận động thường gặp, đặc biệt là kích động tiến triển dao động trong 24 giờ.
  • Tri giác nhầm, ảo giác. 
  • Các yếu tố làm tăng thêm trạng thái mê sảng:
  • Tật chứng về nhận thức liên quan đến HIV nằm dưới.
  • Nhiễm trùng hệ thống.
  • Giảm oxy máu, do hậu quả của viêm phổi.
  • Các rối loạn chuyển hóa, do tiêu chảy có thể gây ra mất cân bằng điện giải.
  • Tăng áp lực nội sọ, do tổn thương não lan rộng, u não, áp xe não.
  • Lạm dụng chất hay hội chứng cai, đặc biệt trong bối cảnh lệ thuộc rượu. 
: Rối loạn tâm thần trong nhiễm HIV/AIDS (phần 1) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound